/ 0 bình luận

Tổng thống Iraq Saddam Hussein - kẻ thù của phương Tây


Saddām Hussein ʻAbd al-Majīd al-Tikrīt – còn được viết là Husayn hay Hussain; phát âm như "Sátđam Hutxen"; tiếng Ả Rập صدام حسين عبد المجيد التكريتي  (sinh 28 tháng 4 năm 1937 – 30 tháng 12 năm 2006) là tổng thống Iraq từ năm 1979 cho đến năm 2003, khi Mỹ tấn công Iraq với lý do là Saddam đã "tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt". Ông đã bị bắt và phải ở tù. Tháng 11 năm 2005 ông bị đem ra tòa án xét xử. Dư luận trong nước Iraq và quốc tế có nhiều người phản đối vì họ cho rằng tòa án không hợp hiến và không tuân thủ các hiệp ước quốc tế. Tuy nhiên, một Tòa án của Iraq (được tổ chức bởi chính phủ mới thân Mỹ) đã kết luận ông có tội "chống lại loài người" vì đã ra lệnh tử hình 148 người Shitte tại thị trấn Dujail phía Bắc Iraq trong thập niên 1980. Lúc 6h05' ngày 30 tháng 12 năm 2006 (giờ địa phương), ông đã bị thi hành án tử hình bằng cách treo cổ tại Bagdad, Iraq.
Saddam là nhà lãnh đạo để lại nhiều nhìn nhận mâu thuẫn. Truyền thông phương Tây mô tả ông là nhà độc tài tàn nhẫn, trong khi nhiều người Ả Rập và các nước thế giới thứ ba thì xem ông là một chiến sĩ đã dũng cảm chống lại ách cường quyền của Mỹ và phương Tây. Lý do mà Mỹ tấn công Iraq, lật đổ Saddam là vì ông "tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt", về sau đã được chứng minh là không có thật.
Tổng thống Iraq Saddam Hussein tại phiên tòa xử tử mình.
Thời thơ ấu
Saddam Hussein sinh ngày 28/4/1937 trong một gia đình nông dân nghèo thuộc làng al-Awja, ngoại ô thành phố Tikrit, là người theo dòng Hồi giáo Sunni. Cha của Saddam Hussein là Madzid - một người nông dân nghèo, cả đời làm ruộng và đã chết trước khi Saddam Hussein chào đời. Cậu bé lớn lên trong gia đình người chú ruột tên là Ibrahim al-Hassan.
Sự dạy dỗ của người chú rất nghiêm khắc, cậu bé không được khóc cũng như không được tỏ ra yếu đuối. Saddam Hussein đã trung thành với nhiều tính cách của bộ tộc Beduin đã sinh ra ông: lòng trung thành tuyệt đối, sự chống đối quyết liệt áp lực từ thế giới bên ngoài. Thời niên thiếu nghèo khổ đã dạy cho Saddam Hussein hiểu rằng đời là một cuộc chiến đấu và để tồn tại cần phải đấu tranh. Ngay từ nhỏ, Saddam đã biết cách chế ngự nỗi lo sợ và trở nên rắn rỏi.
Năm 1947, khi mới 10 tuổi cậu bé đã rời quê hương lên thành phố Tikrit và ở nhà em trai mẹ mình là Tulfakh. Là người tham gia phong trào chống thực dân Anh do al-Gailani lãnh đạo năm 1941, người cậu đã truyền cho đứa cháu Saddam Hussein nhiều bài học về chủ nghĩa dân tộc và lòng căm thù chế độ thống trị của thực dân đế quốc nước ngoài. Năm 1954, Saddam Hussein thi đỗ vào trường al-Karh, một trường nổi tiếng là thành trì của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa toàn Arab.
Cuộc cách mạng Ai Cập nổ ra ngày 23/7/1952 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cục diện chính trị ở Iraq. Tổng thống Ai Cập Abdel Nasser trở thành thần tượng của Saddam Hussein và là lý tưởng của những người theo chủ nghĩa dân tộc toàn Arab. Năm 1957, khi 20 tuổi, Saddam Hussein gia nhập chi nhánh của đảng Baath toàn Arab tại Iraq.
Thời gian cầm quyền
Vào năm 1958, sau khi vương triều phong kiến do Anh hậu thuẫn bị tướng Abdul Qasim lật đổ, theo Nicolas J.S. Davies, CIA đã thuê Saddam Hussein để ám sát vị tổng thống mới. Hussein thất bại và phải trốn sang Lebanon, CIA thuê cho ông ta một căn hộ ở Beirut và sau đó chuyển ông ta tới Cairo làm việc cho cơ quan tình báo Ai Cập.
Saddam Hussein gặp Donald Rumsfeld, đây là giai đoạn Hoa Kỳ hỗ trợ tích cực cho ông ta để chống lại Iran
Không lâu sau khi giữ chức tổng thống vào năm 1979 ở tuổi 42, Saddam Hussein nhanh chóng củng cố quyền hành bằng cách xử tử hàng trăm sĩ quan cao cấp và những chính khách bị nghi thuộc phe chống đối. Saddam Hussein là người Ả Rập theo hệ phái Sunni và đã đưa rất nhiều bà con trong dòng tộc ở Tikrit vào nắm những chức vụ quan trọng trong chính phủ. Tại một đất nước đa sắc tộc, Saddam chủ trương phải trấn áp mạnh tay mọi hành động chống đối nếu muốn đất nước được ổn định, đặc biệt là đối với khối người Hồi giáo Shia chiếm đa số và khối người Kurd. Ông đã từng đè bẹp các cuộc đảo chính và nổi loạn của nhóm dân Kurd ở phía bắc đòi tách khỏi Iraq với sự giúp đỡ của Iran lúc bấy giờ. Khi con trai ông bị ám sát, ông đã cho quân giết sạch những người dân ở các làng gần đó. Tiêu biểu cho thời kỳ Saddam có cuộc xử bắn 148 dân làng Doujail người Shiite (năm 1982); cuộc tấn công người Kurd ở làng Halabja vào năm 1987 khiến hàng trăm người chết.
Bên cạnh đó, Saddam đã quốc hữu hóa kỷ nghệ dầu hỏa vốn nằm trong tay các nhà tư bản Âu-Mỹ vào những năm 1970 và kiểm soát chặt chẽ ngân hàng nhà nước. Nhờ vào ngân sách thặng dư lớn về dầu hỏa, nhất là sau cuộc khủng hoảng đầu năm 1973; Saddam đã thực hiện nhiều cuộc cải cách xã hội rất thành công, nâng cao đời sồng dân chúng, thiết lập nền giáo dục mọi cấp miễn phí, cùng khuyến khích giáo dục phụ nữ và đã từng được UNESCO khen thưởng.
Sau khi trở thành tổng thống Iraq, Saddam Hussein ngày càng nói nhiều đến sứ mạng đặc biệt của Iraq trong thế giới Arab và "thế giới thứ ba". Tại Hội nghị các nước không liên kết tổ chức tại La Habana năm 1979, Tổng thống Saddam Hussein đã hứa cho các nước đang phát triển vay gần 4 tỷ USD nợ dài hạn lãi suất 0%, chính vì thế Saddam Hussein đã được những người tham dự hội nghị tán dương hết lời.
Sau khi Iran diễn ra cuộc Cách mạng Hồi Giáo thành công vào ngày 11 tháng 2 năm 1979 đã lật đổ vua Pahlavi do Mỹ dựng lên, Anh-Mỹ vội vã ủng hộ Saddam để lấy thế kềm chế Iran dưới chính thể Cộng Hòa Hồi Giáo. Cũng theo Nicolas J.S. Davies, Saddam đã tiến hành một cuộc chiến tranh chống nước láng giềng Iran. Tình báo quốc phòng Mỹ DIA cung cấp do thám vệ tinh để dẫn đường cho vũ khí hóa học mà phương Tây giúp Hussein chế tạo, Donald Rumsfeld và các quan chức Mỹ khác đã chào đón Hussein như là đồng minh chống lại Iran.
Năm 1983, chính phủ Hoa Kỳ cử đặc phái viên tới Baghdad, lần đầu tiên trong hơn 16 năm. Trong một nỗ lực của Mỹ để mở rộng quan hệ ngoại giao đầy đủ với Iraq, nước này được Hoa Kỳ xóa khỏi danh sách Nhà nước tài trợ cho khủng bố. Bề ngoài, điều này là do sự cải thiện trong hồ sơ của chế độ Saddam, mặc dù sau đó cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Noel Koch đã nói, "Không ai có bất kỳ nghi ngờ rằng [những người Iraq] vẫn tiếp tục tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố... Lý do thực sự (của Mỹ) là để giúp Iraq thành công trong cuộc chiến chống lại Iran".
Một báo cáo của Ủy ban Thượng viện Mỹ về Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị kết luận rằng chính phủ Mỹ dưới thời tổng thống Ronald Reagan đã liên tiếp bán vật liệu vũ khí sinh học bao gồm vi khuẩn bệnh than cho Iraq, kéo dài cho đến tháng 3 năm 1992. Chủ tịch ủy ban Thượng viện, Don Riegle, cho biết: "Các ngành hành pháp của chính phủ của chúng ta đã phê duyệt 771 giấy phép xuất khẩu khác nhau để bán công nghệ vũ khí cho Iraq. Tôi nghĩ rằng đó là một kỷ lục kinh khủng".
Trong cuộc chiến Iran-Iraq, Mỹ làm một có một điều nghe có vẻ kỳ quặc nhưng lại rất hợp lý với các nhà tài phiệt buôn vũ khí: chính Mỹ vừa vũ trang ồ ạt cho Iraq lại ngầm bán vũ khí cho Iran, về sau bị đổ bể thành vụ Bê bối Contra Gate dưới thời Reagan, mục đích là dùng tiền bán vũ khí để tài trợ cho phiến quân Contra do Mỹ dựng nên để chống chính phủ cánh tả ở Nicaragua. Mỹ rất muốn cuộc chiến tranh Iran - Iraq nhùng nhằng càng lâu càng tốt để có cơ hội bán vũ khí kiếm lời.
Saddam lãnh đạo khối Ả-rập phản đối Hiệp Ước giữa Israel và Ai Cập tại Trại David năm 1979. Saddam chống Israel và các chính sách của phương Tây về dầu lửa một cách mãnh liệt. Đó cũng là nguyên khiến Saddam dần mất lòng Mỹ và phương Tây.
Năm 1990, Saddam tiếp tục phát động Chiến tranh vùng Vịnh nhằm chiếm quốc gia nhỏ bé Kuwait, đất nước mà Saddam tin rằng đã là một phần của Iraq trước khi bị thực dân Anh chia cắt. Trước khi mạo hiểm, Saddam đã cẩn thận thăm dò phản ứng của Mỹ qua buổi gặp gỡ khẩn cấp với đại sứ Hoa Kỳ bấy giờ là April Catherine Glaspie trong ngày 25 tháng 7 năm 1990 tại Bagdad. Glaspie trả lời mập mờ khiến Saddam tưởng là Mỹ bật đèn xanh, liền xua quân chiếm gọn Kuwait chỉ trong vòng một tuần.
Hành động này của Saddam đe dọa trực tiếp quyền lợi dầu mỏ của phương Tây, ngay lập tức truyền thông Mỹ và phương Tây thay đổi thái độ. Họ quay sang công kích Saddam là nhà độc tài cần phải diệt trừ. Hoa Kỳ ngay lập tức phát động Chiến dịch Bão táp sa mạc (Operation Desert Storm) tấn công quân Iraq. Do sự can thiệp của Hoa Kỳ và các nước, Saddam phải chịu thất bại và rút quân.
Bị Mĩ lật đổ
Năm 2003, chế độ của Saddam sụp đổ khi Hoa Kỳ và các đồng minh của họ tấn công Iraq. Nét nổi bật của cuộc chiến này là việc Mỹ tạo cớ tấn công vào Iraq: Khi ấy Mỹ tuyên bố rằng Iraq vẫn đang sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học), đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Tất nhiên Mỹ đã không thể tìm thấy bằng chứng cho các cáo buộc này nên không thể thuyết phục Liên Hợp Quốc, nhưng Tổng thống Mỹ George W. Bush vẫn phát động Chiến tranh xâm lược Iraq dựa trên các cáo buộc mà chính phủ Mỹ đưa ra.
Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell giơ ra chiếc lọ chứa thứ mà ông gọi là vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq tại trụ sở Liên Hợp quốc ngày 5/2/2003, tạo cớ cho Hoa Kỳ tấn công Iraq sau đó 1 tháng. Thực ra, đây chỉ là một lọ muối

Các cáo buộc mà Mỹ đưa ra sau này được chứng minh là bịa đặt, vì những vũ khí này đã không bao giờ được Mỹ tìm thấy tại Iraq sau nhiều năm tìm kiếm ngoài những thùng hóa chất cũ kỹ có từ trước năm 1991. Nhưng khi đó thì mọi việc đã ngã ngũ: Saddam Hussein đã bị tử hình, còn Iraq thì chìm trong chiến tranh.
Bản thân cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell sau khi cuộc chiến tại Iraq xảy ra cũng chính thức lên tiếng thừa nhận về những "bằng chứng" sai sự thật mà Mỹ đưa ra khi trả lời phỏng vấn Tờ báo Le Nouvel Observateur của Pháp: “CIA đã lừa tôi. Nỗi hổ thẹn nhất trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của tôi là đã buộc phải nói dối”.
Năm 2015, Thủ tướng Anh Tony Blair trong cuộc phỏng vấn với CNN đã thừa nhận các báo cáo về vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq là sai sự thật. Tuy nhiên ông này tỏ ra không hề tiếc nuối khi đã đem quân lật đổ Saddam. Vì những điều này mà nhiều người coi Chiến tranh Iraq 2003 thực chất là 1 cuộc chiến vì dầu mỏ, trong đó Mỹ-Anh muốn dựng lên 1 chính phủ thân phương Tây để mở cửa cho các công ty Mỹ và Anh vào khai thác nguồn tài nguyên dầu khí phong phú của Iraq. Dù không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt, cũng không có ai ở Mỹ-Anh phải chịu trách nhiệm hay bị xử lý vì những thông tin sai và vô căn cứ cả, tất cả đều "vô can". Chỉ có một thực tế: Chủ quyền Iraq bị xâm phạm, Tổng thống nước này bị lật đổ và xử tử, còn người dân Iraq thì phải hứng chịu bao khổ đau do chiến tranh gây ra.
Vụ xét xử và án tử hình
Saddam bị phát hiện trốn trong một nông trại ở Dawr vào tháng 12/2003. Ba năm sau, vào ngày 30/12/2006, Saddam bị xử tử sau một phiên tòa chớp nhoáng được tổ chức bởi chính phủ mới tại Iraq do Mỹ thành lập.
Theo lời kể của Alaa Namiq, người đã giúp đỡ Saddam ẩn náu tránh sự truy lùng của quân Mỹ và cũng là cận vệ cuối cùng, thì trong hầm trú ẩn, Saddam đã dành nhiều thời gian để đọc sách và viết, bao gồm cả văn và thơ ca. Saddam cũng từng ghi âm mấy bài phát biểu với nội dung cổ động người dân đứng lên chống Mỹ. Sau này, Namiq được người dân ở Dawr coi như một anh hùng vì việc không ngại hiểm nguy để che chở cho Saddam. Namiq nói: “Saddam biết, rồi sẽ có một ngày ông bị bắt và bị hành quyết. Ông biết tất cả đã mất rồi, ông đã không còn là Tổng thống, cho nên ông triển khai một cuộc thánh chiến chống lại những kẻ chiếm đóng. Vì đất nước, ông ấy đã hy sinh tất cả của bản thân, trong đó có cả hai người con trai của ông”.
Mowaffak al-Rubaie, cựu cố vấn an ninh quốc gia Iraq, cho biết: việc xử tử Saddam được định đoạt sau một cuộc nói chuyện qua video giữa Thủ tướng Iraq mới là Maliki và tổng thống Mỹ khi đó, George Bush. “Quý vị sẽ làm gì với tên tội phạm này?” - Bush hỏi. “Chúng tôi sẽ treo cổ ông ta”, Maliki đáp. Rồi Bush giơ ngón tay cái lên, bày tỏ đồng ý và tán thưởng.
Nhóm luật sư bảo vệ Saddam cũng tố cáo chính phủ Iraq đã can thiệp vào phiên toà. Một luật sư Mỹ cũng chỉ trích thời gian toà đưa ra tuyên án, bởi nó chỉ cách ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vài ngày, cuộc bầu cử mà Đảng Cộng hoà của Tổng thống Bush có nguy cơ mất Quốc hội vào tay Đảng Dân chủ vì cuộc chiến ở Iraq. Khali al-Dulaimi, trưởng đoàn luật sư biện hộ cho biết: "Ông ấy hoàn toàn không quan tâm gì tới bản án. Sự thật, phiên toà này là một trò hề và đầy nhạo báng".
Cựu nhân viên tình báo John Nixon khi thẩm vấn ông đã rồi nhận ra rằng mọi thứ họ biết về ông qua truyền thông phương Tây đều không đúng. Hồ sơ của CIA về Saddam nói rằng ông là "kẻ nói dối kinh niên" nhưng thực ra ông lại rất thẳng thắn. Khi Nixon hỏi về việc ông Saddam dùng vũ khí hóa học ở thành phố Halabja của người Kurd trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq, ông trở nên giận dữ: "Tôi không sợ anh hay tổng thống của anh. Tôi sẽ làm những điều mà tôi phải làm để bảo vệ đất nước tôi. Nhưng tôi đã không đưa ra quyết định đó".
Trong các cuộc thẩm vấn, Saddam cáo buộc người Mỹ là "một đám du côn ngu dốt", "Không có tinh thần lắng nghe và thấu hiểu" và có ý đồ hủy diệt đất nước Iraq. Saddam còn khẳng định lực lượng Mỹ sẽ không suôn sẻ ở Iraq. Khi John Nixon hỏi tại sao Saddam lại cảm thấy thế, ông trả lời: "Không dễ dàng để cai trị Iraq như vậy đâu. Các ông (Mỹ) không hiểu ngôn ngữ, lịch sử, và suy nghĩ của người Ả Rập. Rất khó để hiểu người dân Iraq mà không biết về lịch sử và thậm chí thời tiết của đất nước này”. Lịch sử đã chứng minh Saddam nói đúng.
Will Bardenwerper, người được giao nhiệm vụ giám sát Saddam Hussein trong tù, viết: Saddam là người cư xử rất nhẹ nhàng tình cảm với những người lính cai ngục và hết sức lịch sự. Ông hay kể những câu chuyện về gia đình mình. Saddam rất thích ngồi ở khu vực giải trí dành riêng bên ngoài phòng giam và thích tưới cây, ông rất gần gũi với những người lính cai ngục Mỹ và họ đã coi Saddam như người bạn thân thiết. Hình ảnh của ông hoàn toàn trái ngược với một nhà độc tài mà truyền thông phương Tây thường mô tả: "Có lẽ điều kỳ lạ nhất là tất cả những người lính Mỹ được giao nhiệm vụ cai quản Saddam đều thương tiếc khi ông bị tử hình, mặc dù ông được coi là kẻ thù của nước Mỹ."
Tường thuật lại thái độ của ông Saddam Hussein trước khi toà tuyên án, hãng Reuters nhận xét: Trước cái chết, Saddam Husein tỏ ra khinh thường án tử hình khi ông tuyên bố không sợ chết và kêu gọi Mỹ hãy rút quân về nước như họ đã từng làm tại Việt Nam. Các luật sư của ông Saddam cho biết họ đã nói chuyện một cách vui vẻ với ông suốt hơn 3 giờ đồng hồ ngay trước khi toà tuyên án tử hình. Chủ đề là về tình hình bạo lực tại Iraq và việc Mỹ sắp thua trong cuộc chiến tại đây. Saddam tỏ ra không quan tâm tới việc phiên toà sẽ diễn ra thế nào, ông chủ yếu tập trung vào tình hình đất nước và tỉ lệ binh lính Mỹ thiệt mạng ngày càng gia tăng tại Iraq.
Các luật sư thuật lại lời của ông Saddam tại toà: "Tôi không cảm thấy một chút sợ sệt. Tôi sẽ chết một cách vinh quang, trong niềm tự hào của dân tộc và quốc gia Ả-rập thân yêu của tôi, nhưng những kẻ xâm lược Mỹ sẽ phải rút quân về nước trong sự bẽ mặt và thất bại”. Cũng tại phiên toà, khi được một luật sư chuyển cho cuốn sách "Những năm tháng của tôi tại Iraq: Nỗ lực để xây dựng một tương lai hy vọng" do một quan chức Mỹ viết để ca tụng những gì người Mỹ làm được ở Iraq, Saddam chỉ nói: "Tôi có thể nhìn thấy Mỹ đang chìm dần trong bãi lầy Iraq, giống những gì đã xảy ra tại Việt Nam". Theo hãng BBC, Saddam Hussein nói mình sẵn sàng chết và coi đó như là "sự hy sinh cho Iraq", bên cạnh đó ông kêu gọi người Iraq đoàn kết chống lại kẻ thù. Trong một lá thư, Ông Saddam Hussein viết: "Tôi sẽ hy sinh. Nếu ý nguyện của đấng tạo hóa là chuyện này, ngài sẽ đưa tôi vào danh sách những người tử vì đạo chân chính".
Những ngày cuối cùng của cuộc đời, Saddam Hussein làm thơ cuối cùng - nguồn an ủi mà ông thường tìm đến trong những lúc khó khăn. Bài thơ bắt đầu bằng lời ca ngợi tình yêu của bản thân ông đối với nhân dân, rồi sau đó là sự cảnh báo những kẻ ngoại bang và những người Iraq thân Mỹ đang nắm quyền ở nước này:
Hãy trải lòng mình.
Tâm hồn người là bạn của tôi, tâm hồn người là tình yêu của tôi.
Đối với trái tim tôi, không nơi nào ấm áp bằng tâm hồn người.
...
Kẻ thù cõng ngoại bang giày xéo xã tắc chúng ta.
Chúng sẽ phải than khóc.
Đây ta phơi lồng ngực trước bầy sói.
Không run sợ trước lũ thú cuồng bạo.
Ta hy sinh tâm hồn này cho Người và Tổ quốc.
Máu ta sẵn sàng đổ những lúc khó khăn.
Ông Rezgar Mohammed Amin, thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Saddam Hussein, đã từ chức năm 2006 sau vài phiên xét xử. ông quyết định từ chức là do việc xét xử không công bằng, không dựa trên luật pháp Iraq cũng như luật pháp quốc tế, đồng thời ông luôn luôn bị sức ép từ phía chính phủ Iraq và chính quyền Mỹ. Ông nói: nếu Saddam Hussein được xét xử tại tòa án hình sự quốc tế thì ông sẽ không bị án tử hình, và nếu xử theo luật Iraq thì Saddam Hussein cũng không phải chịu án tử hình. Phiên tòa không được truyền hình trực tiếp mà phải qua người Mỹ ngồi phòng bên cạnh kiểm duyệt, cắt bỏ các đoạn Saddam Hussein nói về những vấn đề mà Mỹ không thích.
Saddam bị tử hình vào ngày 30/10/2006, đó lại là ngày đầu tiên của lễ Al-Edha thiêng liêng của đạo Hồi. Luật Iraq cấm tử hình bất cứ người nào vào những ngày lễ tôn giáo và dịp quốc khánh, nhưng chính phủ Iraq và Mỹ đã không tôn trọng điều này. Ông Amin cho rằng việc tử hình Saddam Hussein vào ngày đó là một sự trả thù.
Mowaffak al-Rubaie, một nhân chứng của vụ tử hình, kể rằng Saddam vẫn rất mạnh mẽ, hiên ngang cho tới những giờ phút cuối cùng trước khi bị hành quyết và không bao giờ nói hối tiếc. Saddam Hussein không hề nghĩ đến cái chết đang cận kề mà chỉ coi vụ hành hình là một vở diễn cuối trong cuộc đời mình. Ông tỏ ra tự hào về những di sản của mình, và chỉ băn khoăn rằng mọi người sẽ nhớ tới mình như thế nào sau này:
“Ông ấy mặc áo khoác và áo sơ-mi trắng, tỉnh táo và thư giãn, tôi không hề thấy dấu hiệu sợ hãi nào. Tôi không nghe thấy ông ấy nói gì về việc hối tiếc hay sự thương xót, tha thứ của Chúa trời, hoặc xin được ân xá. Một người sắp chết thường nói: "Xin Chúa trời hãy tha thứ cho những tội lỗi của con, con đang về với người". Nhưng ông ấy không hề nói điều gì như thế...
Khi tôi đưa Saddam vào, ông ấy đang bị còng tay và cầm một quyển Kinh Koran. Khi người ta tuyên đọc hàng loạt tội danh, Saddam đáp lại: "Đả đảo Mỹ! Đả đảo Israel! Palestine muôn năm! Đả đảo đế quốc Ba Tư!”
Khi vào phòng xử tử, Saddam dừng lại, nhìn vào giá treo cổ rồi nói: “Các người thấy đấy, thứ này là dành cho những người đàn ông, tôi là một người đàn ông đích thực, dám làm và dám hy sinh, tôi tự hào vì mình là một trong những người đàn ông như thế".
Có một vài cảnh sát hỏi: "Tại sao ông lại gây biết bao đau khổ cho chúng tôi? Chúng ta là một dân tộc giàu có, nhiều tài nguyên, tại sao ông lại gây ra ngần ấy cuộc chiến tranh, tại sao?" Saddam trả lời ông không gây chiến với bất cứ ai: "Tôi chỉ chiến đấu chống lại kẻ thù của Iraq là người Ba Tư và Mỹ. Trước đây các anh là những người chân đất, không có giày dép mà đi, không có sữa mà uống, tôi là người đã mang lại cuộc sống ấm no cho các anh, tôi đã làm cho các anh trở thành con người".
Đao phủ đề nghị trùm lên đầu ông một cái túi màu đen cho đỡ sợ nhưng ông từ chối, điều này chứng tỏ ông không sợ chết. Câu nói cuối cùng của ông trước khi bước lên bậc thang dẫn đến sợi dây treo cổ: Hãy để cho đứa con trai của tôi và những người này, người nọ được sống. Sau đó ông bước lên nơi đặt chiếc giá treo cổ một cách tự nhiên, không có bất cứ dấu hiệu do dự hoặc sợ hãi nào.
Khi được nói câu cuối cùng, Saddam Hussein bắt đầu ngân nga một câu kinh Hồi giáo, rằng "Không có Chúa trời nào khác ngoài Đấng Alah, tôi thừa nhận rằng Mohammad là sứ giả của Đấng Alah. Không có Chúa trời nào khác ngoài Đấng Alah, tôi thừa nhận rằng Mohammad..." - ông chưa kịp đọc hết lời cầu nguyện thì đao phủ đã giật tấm ván cho ông rơi xuống giá treo cổ.
Di sản
Chìa khoá để nắm giữ quyền lực lâu dài của Saddam Hussein là thiết lập một mối quan hệ chưa từng có ở Trung Đông giữa một hệ thống cũ và mang tính truyền thống giữa các bộ tộc với một cơ cấu quân sự an ninh của một nhà nước hiện đại. Sự độc đáo ở chỗ gắn thực tiễn xa xưa này vào một đất nước có tham vọng quân sự lớn nhất thế giới Arab. Kết quả là một chế độ lai tạp: không độc tài quân sự cũng không cộng hoà thế tục, và cũng không phải chế độ thần quyền. Sự lai tạp này đảm bảo việc duy trì trật tự an ninh tại Iraq trong suốt thời kỳ Saddam nắm quyền.
Số phận của Iraq cũng giống như vài năm trước đó ở Nam Tư (Slobodan Milošević), và vài năm sau đó ở Libya (Muammar al-Gaddafi): lãnh đạo của các nước này bị phương Tây gán cho là "độc tài, phạm tội ác chống nhân loại", rồi sau đó phương Tây đem quân tấn công lật đổ họ, lật đổ xong thì các chính khách phương Tây sẽ hứa hẹn với người dân nước đó về "tự do, dân chủ, nhân quyền", nhưng rồi sau đó là những ngày tháng hỗn loạn và cuối cùng là cả đất nước sẽ tan vỡ ra thành nhiều mảnh (Nam Tư đã tan vỡ thành 6 mảnh, Libya thì đang tan vỡ thành 4 mảnh mà vẫn chưa dừng lại).
Tổng thống Mỹ George Bush ca ngợi việc hành hình ông Saddam là "một cột mốc quan trọng trong tiến trình đi đến dân chủ ở Iraq", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ là Joseph Biden, phát biểu: "Iraq đã khép lại một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử và thoát khỏi chế độ bạo chúa". Toàn quyền Paul Bremer, người đứng đầu chính quyền chuyển tiếp tại Iraq thời hậu Saddam trong 13 tháng, trước khi rời Iraq còn hào hứng tuyên bố: “Nhìn lại chúng ta thấy rằng Mỹ đã làm được rất nhiều điều cho đất nước Iraq. Thực sự, chúng ta đang giúp cho Iraq trở thành một quốc gia dân chủ”. Thực tế trong 15 năm sau đã chứng minh những gì mà các chính khách Mỹ hứa hẹn là hoàn toàn sai: Iraq chẳng hề có dân chủ, mà chỉ có chiến tranh và tàn phá.
Hoa Kỳ tuyên bố Saddam Hussein "sở hữu vũ khí giết người hàng loạt" để phát động cuộc chiến, dư luận biết ngay đó là cái cớ được ngụy tạo, song Tổng thống Mỹ George Bush vẫn cho rằng ông ta sẽ đánh lừa được dư luận. Và Hoa Kỳ đã ảo tưởng khi tin rằng có thể dựng nên chính quyền mới tại Iraq có thể nằm trong sự quản lý và điều khiển theo ý muốn của họ. Người dân Iraq đã phải trả cái giá quá đắt cho các toan tính sai lầm của chính quyền Mỹ.
Sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, Iraq hoàn toàn thiếu vắng một nhà lãnh đạo cứng rắn và biết đoàn kết các bộ tộc, chính phủ thân Mỹ thì tham nhũng trong khi lính Mỹ hiện diện khắp nơi khiến người dân nước này rất căm phẫn. Chính phủ mới rập khuôn phương Tây theo mô hình phân chia quyền lực, quyền lợi chủ yếu dựa trên lợi ích đảng phái, nó dẫn tới việc chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn nội tại, bởi sự bất đồng về lợi ích đảng phái - sắc tộc - tôn giáo luôn tồn tại và không thể hóa giải. Các mâu thuẫn ngày càng tích tụ và âm mưu ly khai của các nhóm sắc tộc ở Iraq nhanh chóng bùng phát. Các phe phái địa phương ở Iraq nổi loạn khắp nơi. Đất nước Iraq chìm trong hỗn loạn và chiến tranh suốt từ nằm 2003 tới nay.
Đất nước Iraq năm 2016 đã bị chia làm 3 mảnh, chưa kể hàng chục bộ tộc cát cứ tại các địa phương
Năm 2011, Mỹ rút quân khỏi Iraq, để lại "một vũng lầy" đúng như những gì Saddam Hussein đã dự đoán. Dưới thời Saddam Hussein, ở Iraq hoàn toàn không có khủng bố quốc tế, còn sau khi ông chết, đất nước Iraq đã trở thành "Đại học Harvard của chủ nghĩa khủng bố". Mỹ tấn công Iraq với tuyên bố "tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố", nhưng rốt cục họ đã tạo nên một mảnh đất màu mỡ cho khủng bố quốc tế xây dựng lực lượng. Đến năm 2014, đất nước Iraq trên thực tế đã không còn là một quốc gia thống nhất mà đã bị xé nát thành nhiều mảnh bởi nhiều phe phái như chính phủ Iraq thân Mỹ, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant, quân người Kurd...
Những giai đoạn ổn định kéo dài ở trong nước thời Saddam hoàn toàn trái ngược với tình trạng bạo lực đẫm máu lan tràn khắp nước Iraq kể từ khi Saddam bị lật đổ. Ông Saddam cũng được một số người Arab ngưỡng mộ vì cuộc chiến 1980-1988 với Iran, việc ông đối đầu với Mỹ, tấn công Israel.
Khi Saddam Hussein bị bắt và bị treo cổ, nhiều kẻ thù của Saddam đã nổ súng chào mừng. Cuộc trấn áp người Kurd ở phía bắc, cuộc tấn công Iran, những nhóm đối lập với ông này... khiến Saddam có nhiều kẻ thù và họ đều mong ông bị giết. Tuy nhiên, sự hỗn loạn kể từ sau cuộc chiến Iraq, những xung đột sắc tộc kéo dài đã khiến người Iraq xem xét lại quan điểm của họ về cái gọi là "sự tàn nhẫn" nhưng giúp duy trì một xã hội ổn định suốt 35 năm nắm quyền của Saddam. Hiện nay, ngày càng nhiều người Iraq tỏ ý tiếc nuối về sự ra đi của Saddam và nhìn lại kỷ nguyên của ông này với sự luyến tiếc. Ngày càng nhiều người Iraq tới thăm mộ ông để tỏ lòng kính trọng ông, nhiều người đã coi ông là một chiến sĩ "Tử vì đạo".
Kế hoạch tấn công Đài châu Âu Tự do
            Saddam từng có kế hoạch dùng hỏa tiễn chống chiến xa để tấn công đài châu Âu Tự do (Radio Free Europe/Radio Liberty) do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, đặt trụ sở ở Praha, theo cơ quan phản gián Cộng hòa Séc nói ngày 30 tháng 11 năm 2009. Các nhân viên tình báo Iraq giả dạng giới chức ngoại giao dự trù sẽ mở cuộc tấn công từ cửa sổ một căn chung cư trong tòa nhà gần vị trí của đài ở trung tâm thủ đô Praha.
Vào năm 2000, tình báo Séc biết rằng Saddam ra lệnh mở cuộc tấn công nhưng không nói rõ là lệnh có từ lúc nào hay sẽ diễn ra trong thời điểm nào. Saddam Hussein ra lệnh cho cơ quan tình báo của mình là phải dùng vũ lực để cản trở chương trình phát thanh của Ðài Âu Châu Tự Do phát về Iraq và cung cấp nguồn tài chính lớn cho kế hoạch này. Ðài châu Âu Tự do khởi sự các buổi phát thanh nhắm vào Iraq từ năm 1998.
Các nhân viên tình báo Iraq dùng xe ngoại giao đoàn để chở vũ khí vào Séc, gồm một súng phóng lựu RPG-7, sáu khẩu tiểu liên và đạn dược. Các giới chức Iraq được cảnh cáo năm 2000 là chính phủ Séc biết về âm mưu này, theo phát ngôn viên cơ quan tình báo Cộng hòa Séc, Jan Subert. Tiếp theo lời cảnh cáo, chính phủ Séc trục xuất sáu nhân viên ngoại giao Iraq với lý do làm gián điệp, người đầu vào năm 2001 và năm người kia vào tháng 3 năm 2003, theo ông Subert. Vào tháng 4 năm 2003, một tháng sau khi quân đội Hoa Kỳ và đồng minh tiến vào Iraq, giới chức tại Tòa Ðại sứ Iraq ở Praha giao nạp số vũ khí nói trên cho chính quyền Séc.
Ðài châu Âu Tự do dời trụ sở từ München, Đức, sang Praha năm 1995 sau khi chính quyền Tiệp Khắc nơi đây sụp đổ năm 1989. Ðài hiện đang phát thanh 28 thứ tiếng đến 20 quốc gia, kể cả Iran và Iraq, kể từ năm 1998 và Afghanistan từ năm 2002.

Ý kiến bạn đọc (0)

BÌNH LUẬN (0)