/ 0 bình luận

Một số suy nghĩ về mối quan hệ giữa Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu




Có thể nói quan hệ giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến đầu thập niên 1990 bị chi phối bởi rất nhiều nhân tố:
- Ngay từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai chưa kết thúc, theo tinh thần thỏa thuận của các Hội nghị Ianta, Pốtxđam, Đông Âu được xác định là khu vực ảnh hưởng của Liên Xô.
- Cũng trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ hai, chính sự ủng hộ mà Liên Xô dành cho lực lượng kháng chiến thân cộng sản, các Đảng cộng sản ở các nước Đông Âu đã góp phần tăng thêm ảnh hưởng của Liên Xô ở khu vực này.
- Một thực tế là, những diễn biến của tình hình kinh tế - chính trị châu Âu trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1919-1939) cũng có tác động tới dư luận xã hội các nước Đông Âu: tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933; sự nảy sinh, phát triển của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa cánh hữu/lực lượng thân phát xít ở châu Âu nói chung, các nước Đông Âu nói riêng, cách ứng phó với cuộc khủng hoảng, cách giải quyết khủng hoảng của chính phủ các nước Đông Âu đã gây bất mãn cho một bộ phận dân chúng. Mặt khác, do thái độ thỏa hiệp của Anh, Pháp, Mỹ trước hành động của phe trục đã làm tổn hại tới lợi ích dân tộc của nhiều quốc gia Đông Âu (Rumani, Nam Tư, Tiệp Khắc, Ba Lan, Anbani). Tất cả những điều đó đã đưa đến tâm lý chung của nhân dân các nước Đông Âu là họ chán chường với thực tế đất nước, nảy sinh ở họ niềm tin tưởng vào mô hình nhà nước mới là Liên Xô, khâm phục những việc mà nhân dân lao động Liên Xô đã làm được trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1919-1939).
- Vai trò của Liên Xô trong việc giải phóng các nước Đông Âu khỏi ách chiếm đóng và thống trị phát xít trong những năm 1944-1945, việc khẳng định phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Âu theo thỏa thuận giữa các nước trong phe Đồng minh chống phát xít qua các hội nghị ở Teheran, Ianta và Pốtxđam.
Tất cả những nhân tố trên đã đưa đến một hệ quả tích cực là Liên Xô lúc đầu được chào đón ở các nước Đông Âu như một lực lượng của phe Đồng minh chống phát xít. Với sự giúp đỡ tích cực của Liên Xô, Đảng Cộng sản/lực lượng thân cộng sản ngày càng củng cố được thế lực của mình ở các nước Đông Âu, từ chỗ là một đảng chính trị ít quan trọng, trở thành đảng chính trị chủ yếu, nổi bật và nắm vai trò quyết định trên sân khấu chính trị các nước. Có thể nói, không có sự giúp đỡ của Liên Xô, Đảng Cộng sản ở các nước Đông Âu không thể giành được quyền lãnh đạo đất nước trong những năm 1945-1948. Việc chính quyền do những người cộng sản chiếm ưu thế sử dụng nhiều hình thức khác nhau nhằm loại bỏ các đảng phái chính trị lịch sử và truyền thống đã để lại nhiều hậu quả lâu dài, làm nảy sinh mâu thuẫn giữa một bộ phận nhân dân Đông Âu với Liên Xô. Các cuộc vây bắt, khủng bố hàng loạt các lãnh tụ thuộc những đảng phái đối lập đã tạo nên bầu không khí căng thẳng trong đời sống chính trị các nước Đông Âu.
Để duy trì ảnh hưởng của mình ở khu vực đã được phân chia theo thỏa thuận giữa Liên Xô với các nước Đông minh phương Tây, Liên Xô đã duy trì một lực lượng quân đội lớn ở hầu hết các nước Đông Âu. Sự hiện diện của Hồng quân Liên Xô trên lãnh thổ các nước Đông  u đã gây tâm lý “đất nước bị chiếm đóng và kiểm soát chặt chẽ bởi các thế lực ngoại bang” cho nhân dân Đông Âu, làm nảy sinh tư tưởng đấu tranh đòi Liên Xô rút quân về nước. Tuy nhiên, vì lợi ích chiến lược, Liên Xô không những không rút quân mà còn tăng cường và củng cố sự hiện diện quân sự của mình ở Đông Âu. Có ý kiến cho rằng, không có sự trợ giúp của quân đội Liên Xô, các chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo ở các nước Đông Âu không thể đứng vững.
Vậy chúng ta cần đánh giá như thế nào cho khách quan về vai trò của Liên Xô ở các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa sau Chiến tranh thế giới thứ hai? Liệu trong mối quan hệ giữa Liên Xô với các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa có tồn tại cái gọi là tinh thần “quốc tế vô sản” hay chỉ là một biến tướng của “chủ nghĩa Đại Nga/dân tộc nước lớn” đã từng tồn tại trong lịch sử? Trong mối quan hệ đó, lợi ích dân tộc luôn luôn là nhân tố hàng đầu chi phối các quyết định của Liên Xô.
Sự mâu thuẫn giữa Liên Xô và các nước phương Tây, đặc biệt với Anh và Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự hình thành trật tự thế giới hai cực, sự nảy sinh cuộc Chiến tranh lạnh từ năm 1947 đã tác động mạnh mẽ tới thái độ của Liên Xô đối với các nước Đông Âu vốn được coi là khu vực ảnh hưởng của nước này. Vì lợi ích quân sự, an ninh trong trường hợp xảy ra các cuộc xung đột, Liên Xô tăng cường sự kiểm soát về kinh tế, chính trị, quân sự ở Đông Âu, không chỉ nhằm đối phó với phương Tây mà còn nhằm phục vụ cho mưu đồ chiến lược của Liên Xô. Vậy đánh giá như thế nào về hiện tượng “Nga hóa” đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng ở các nước Đông Âu? Sự “can thiệp” của Liên Xô có vai trò như thế nào đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu trong những năm 1947/1948-1956? Đâu là cội nguồn những mâu thuẫn nảy sinh giữa một bộ phận nhân dân Đông Âu, một bộ phận đảng viên Đảng Cộng sản với các chính sách mà Liên Xô thực thi ở Đông Âu? Liên Xô có vai trò gì và thành công như thế nào trong việc trợ giúp các lãnh tụ cộng sản Đông Âu - được đào tạo ở Liên Xô/chấp thuận vai trò là “con rối chính trị” của Liên Xô - kiểm soát được quyền lực. Vì sao “tinh thần dân tộc” lại nảy sinh và phát triển ngày càng mạnh mẽ ở một số nước Đông Âu (Nam Tư, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hunggari, Rumani) và được bộc phát ngày càng mạnh mẽ trong thập niên 1950, 1960?
Sự can thiệp của Liên Xô ở Ba Lan, Hunggari, Tiệp Khắc trong những năm 1956, 1968, 1980 đã tổn hại như thế nào tới tinh thần “quốc tế vô sản” cao cả như vẫn được tuyên truyền, tới tình hữu nghị giữa nhân dân các nước Đông Âu và Liên Xô?
Có nên đánh giá rằng sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc, sự tiếp tay của các thế lực phản động cho các lực lượng đòi cải cách/đổi mới mô hình phát triển của chủ nghĩa xã hội là nguyên nhân chính tạo nên những biến động chính trị ở Đông Âu trong những năm 1956, 1968 hay chính những khiếm khuyết của bản thân mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội và những tồn tại của chính bản thân các Đảng Cộng sản cũng như sự can thiệp thô bạo của Liên Xô đã làm nảy sinh những bất mãn trong nội bộ đảng viên của các Đảng Cộng sản và nhân dân các nước Đông Âu, đưa đến sự bùng nổ hàng loạt cuộc đấu tranh mang đậm tính bạo lực?
Nên đánh giá như thế nào về lực lượng cải cách đòi đổi mới mô hình lực lượng “dân tộc chủ nghĩa” trong các biến cố 1956, 1968? Có nên coi họ là “lực lượng phản động” hay đó là “lực lượng đi trước thời đại, có tầm nhìn xa trông rộng, dám nói, dám đấu tranh, dám chỉ ra những khiếm khuyết của chủ nghĩa xã hội/dám đưa ra một mô hình phát triển khác với cách làm của Liên Xô - quê hương của chủ nghĩa xã hội”?
Đánh giá thế nào về thực chất của mối quan hệ giữa Liên Xô - các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu? Các nước Đông Âu là đồng minh hay chư hầu/nước lệ thuộc Liên Xô?
Việc Liên Xô thỏa hiệp với Mỹ và phương Tây, ngừng trợ giúp cho các Đảng Cộng sản và chính phủ của các nước Đông Âu có phải là nguyên nhân chính đưa đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu? Chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu - một nhân tố “ngoại lai” được du nhập từ bên ngoài, đem cấy vào xã hội Đông Âu sau chiến tranh không thể tồn tại lâu dài do có sự ép buộc từ ban đầu, không phải là một nhân tố “tự thân”/“tự nguyện”? Có phải do không có sự trợ giúp tiếp tục của Liên Xô, sự thờ ơ của các lực lượng quân đội Xôviết đang đóng quân trên lãnh thổ các nước Đông Âu trong những năm 1988-1990 trước những khó khăn của các Đảng Cộng sản và chính phủ đã khiến cho sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu là tất yếu?
Liên Xô, với tư cách là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên, lớn nhất đã mắc quá nhiều sai lầm trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu? Liệu có thực sự tồn tại cái gọi là “tinh thần quốc tế vô sản” cao cả như chúng ta vẫn biết hay đó chỉ là miếng bánh vẽ?
Đâu là những nhân tố khiến cho tất cả các nước Đông Âu sau năm 1990 đều quay lại phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, đều muốn tái hội nhập vào đại gia đình châu Âu và đều nỗ lực phấn đấu theo các giá trị dân chủ phương Tây? Phải chăng một phần do những việc mà Liên Xô đã làm đối với các nước Đông Âu trong giai đoạn 1945-1990? Đánh giá như thế nào về sức hút của chủ nghĩa xã hội đối với nhân dân các nước Đông Âu trong quá khứ? Hiện tại? Tương lai?
Tất cả những câu hỏi trên, theo tôi thật không dễ trả lời, chúng ta cần tiếp xúc nhiều hơn nữa với các kho tư hiệu được Nga và các nước Đông Âu công bố trong những năm gần đây. Chỉ có như vậy, cộng thêm cách nhìn đa chiều, tránh tư tưởng áp đặt thì chúng ta mới có thể hiểu chính xác hơn, chân thực hơn về những gì đã diễn ra ở trong nội bộ phe xã hội chủ nghĩa thế giới, không bị lạc hậu với cách nhìn của thế giới, mà vẫn đảm bảo tính khách quan, tránh được sai lầm do tư tưởng phủ nhận sạch trơn vai trò của Liên Xô. Những điều tôi viết ra trên chỉ là những ý kiến chủ quan, băn khoăn, rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý của các nhà khoa học.
Tác giả: PGS.TS. Đào Tuấn Thành 
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội

Ý kiến bạn đọc (0)

BÌNH LUẬN (0)