/ 0 bình luận

Liên Xô với cuộc chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975) - Nhìn từ chiến tranh lạnh

 


Văn Ngọc Thành*

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần từ Liên Xô, “người anh cả” của phe xã hội chủ nghĩa. Đó là sự thật lịch sử đã được khẳng định. Sự giúp đỡ của Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam phản ánh mối quan hệ hữu nghị, gắn bó đặc biệt giữa hai đất nước nhưng đồng thời nó cũng phản ánh sự phức tạp của tình hình thế giới trong thời kỳ này. Bài viết này muốn xem xét vấn đề đã được khẳng định đó trong khung cảnh cuộc chiến tranh lạnh, bởi lẽ: Thứ nhất, Liên Xô vừa là nước giúp đỡ lớn nhất cho nhân dân Việt Nam, vừa là nước đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa, là một trong hai siêu cường chủ chốt của chiến tranh lạnh; và do đó, thứ hai, chiến tranh Việt Nam là một trong những điển hình của một trong những biểu hiện của chiến tranh lạnh mà giới nghiên cứu thường gọi là “chiến tranh đại diện” (proxy war) [13; 14]. Và do vậy, việc xem xét chính sách của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam không thể tách rời với việc xem xét âm mưu của Mỹ, cả ở cấp độ toàn cầu.

1.Từ khi Mỹ chính thức phát động cuộc chiến tranh lạnh (3/1947), Mỹ và Liên Xô luôn coi châu Âu là khu vực trọng tâm chiến lược trong cuộc đấu tranh nhằm hạn chế sức mạnh và phạm vi ảnh hưởng của đối phương. Trong bối cảnh đó, châu Á - nơi đang diễn ra những cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân các nước thuộc địa được coi là “khu vực biên duyên” chiến lược. Tuy nhiên, cùng với sự biến đổi của tình hình quốc tế, châu Á dần trở thành địa bàn xung đột giữa hai siêu cường Mỹ, Xô và là nơi diễn ra những cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai hệ thống trên thế giới. Theo đó, vị trí của bán đảo Đông Dương trong chiến lược của Mỹ và Liên Xô cũng bắt đầu có sự thay đổi. Việt Nam từng bước trở thành địa bàn quan trọng trong các cuộc cạnh tranh quyền lực của hai siêu cường ở châu Á. Ban đầu, ở bán đảo Đông Dương, mà trọng điểm là Việt Nam, sự ảnh hưởng của xung đột Đông – Tây là khá mờ nhạt. Tuy nhiên, cùng với sự leo thang của chiến tranh lạnh, sự biến đổi phức tạp của tình hình quốc tế đã dẫn đến sự thay đổi chính sách về Đông Dương của cả Mỹ và Liên Xô.

Từ đầu năm 1950, giới cầm quyền Mỹ đã từng bước nhận thức lại vị trí chiến lược của Việt Nam, coi đây là chiến tuyến quan trọng để chống lại “sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản” ở khu vực châu Á. Do vậy, Mỹ đã tiến hành can thiệp ngày càng sâu vào Việt Nam. Sự thay đổi về chiến lược của Mỹ ở Việt Nam xuất phát từ những nguyên nhân sau: Thứ nhất, sau thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc, cùng với việc nước Trung Hoa mới công khai ủng hộ cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam và ảnh hưởng của thuyết “Đôminô”, giới cầm quyền Mỹ cho rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ như một cơn sóng lan nhanh xuống khu vực Đông Nam Á và toàn bộ châu Á. Vì vậy, các chiến lược gia của Mỹ đã xác định Đông Dương trở thành bộ phận quan trọng trên tuyến ngăn chặn của Mỹ ở châu Á. Họ cũng cho rằng, Đông Nam Á là khu vực có tầm sinh tử đối với an ninh của Mỹ. Tháng 2-1950, Uỷ ban An ninh quốc gia của Mỹ đã ra văn kiện số 64 (NSC – 64), xác định Đông Dương là khu vực then chốt của Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng đã cảnh báo nếu để cho chủ nghĩa cộng sản chinh phục khu vực này thì Mỹ sẽ phải chịu một thảm bại chính trị to lớn mà ảnh hưởng của nó sẽ lan tràn trên khắp thế giới. Thứ hai, cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và cục diện quốc tế trong cuộc chiến tranh này cũng là một nhân tố quan trọng làm thay đổi chính sách của Mỹ về Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Có thể nói, cuộc chiến tranh Triều Tiên đã ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ đối với Đông Dương dưới một hình thức gián tiếp nhưng rất quan trọng. Khi nghiên cứu về ảnh hưởng của chiến tranh Triều Tiên đối với chiến lược của Mỹ, các nhà nghiên cứu cho rằng “những hạn chế về chính trị trong cuộc chiến tranh Triều Tiên đã chọc tức các tổ chức quân sự của Mỹ và đã ảnh hưởng đến những kiến nghị của họ về việc can thiệp vào Đông Dương”[9; tr. 34] và rằng “sự dính líu của Mỹ ở Triều Tiên đã hoàn thiện việc làm thay đổi thứ tự ưu tiên của Mỹ ở Đông Dương”[9; tr. 34]. Có thể nói, dưới tác động của những nhân tố chủ quan và khách quan nói trên, Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược của Mỹ, mặc dù nơi đây vẫn không được coi là khu vực trung tâm mà chỉ là vùng “ngoại vi” của chiến tranh lạnh.

Cùng với sự thay đổi về chiến lược Đông Dương của Mỹ, các nhà lãnh đạo Liên Xô cũng dần nhận thức được tầm quan trọng của Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng, trong việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ở châu Á. Do vậy, Liên Xô đã đi từ chỗ không can dự vào Đông Dương đến chỗ thể hiện sự ủng hộ của mình đối với Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong những năm 50, Liên Xô đã thông qua Trung Quốc để ủng hộ Việt Nam và từ những năm 60, Liên Xô đã có sự viện trợ trực tiếp về kinh tế và quân sự cho Việt Nam. Tuy nhiên, cũng giống như Mỹ, các nhà lãnh đạo Liên Xô vẫn không coi Việt Nam là khu vực trọng điểm trong chiến lược của mình.

Như vậy, chúng ta thấy trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, bán đảo Đông Dương đều không được xác định là trọng tâm trong chiến lược của Mỹ và Liên Xô. So với châu Âu thì đây chỉ là khu vực “biên duyên chiến lược”, là nơi có vị trí thứ yếu trong chiến lược chung của hai siêu cường. Tuy nhiên bán đảo Đông Dương lại là một trong những nơi diễn ra cuộc “chiến tranh nóng” hết sức quyết liệt, tàn khốc và đẫm máu trong chiến tranh lạnh giữa hai hệ thống trên thế giới. Điều này phản ánh một đặc điểm quan trọng của chiến tranh lạnh, đó là các cuộc xung đột quân sự thường phát sinh ở những khu vực không trực tiếp gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của hai siêu cường. Nó chứng minh tính chất vì lợi ích riêng trong đấu tranh chính trị quốc tế của các nước lớn.

2. Chiến tranh Việt Nam là cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ - một nội dung cơ bản của quyền dân tộc. Tuy nhiên, quá trình phát triển của cuộc chiến cho thấy nó còn mang vóc dáng của cuộc xung đột quốc tế, trở thành chiến trường của những cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai siêu cường. Điều này liên quan trực tiếp đến những tính toán chiến lược của Mỹ, Xô và sự tham gia của hai nước lớn vào các cuộc chiến tranh này.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam sự tham gia của Mỹ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ không can dự đến can thiệp gián tiếp thông qua sự ủng hộ đối với Pháp và chính phủ Bảo Đại, rồi đến đưa quân xâm lược trực tiếp. Trong khi đó Liên Xô lại trực tiếp và công khai sự ủng hộ đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong cuộc đấu tranh chống Mỹ. Sự khác nhau cơ bản này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như về bối cảnh của cuộc chiến tranh, về diễn biến của tình hình quốc tế qua từng giai đoạn.

Trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã lên tiếng phản đối chính sách thực dân cũ của Pháp ở Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Minh trong cuộc đấu tranh giành độc lập từ tay thực dân Pháp và đưa ra chủ trương “thác quản quốc tế” trong vấn đề Đông Dương. Tiếp đó, do phải tranh thủ đồng minh để chống lai Liên Xô, trong những năm đầu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chính phủ Mỹ đã tỏ thái độ không can thiệp vào Đông Dương. Tuy nhiên, từ cuối năm 1949, sau sự ra đời của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, nhất là sau khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ (6-1950), thái độ của Mỹ đối với Đông Dương và Việt Nam đã có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Từ chỗ không can thiệp, Mỹ bắt đầu viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Tháng 4-1950, Tổng thống Mỹ Truman đã thông qua bản ghi nhớ mang ký hiệu NSC 64 khẳng định sự cần thiết trong việc viện trợ cho Đông Dương nhằm “chống cộng sản ở Đông Nam Á vì thất bại của thế giới “tự do” ở đây sẽ làm nguy hại đến tương quan lực lượng của hai phe ở Đông Nam Á”[7; tr. 185]. Tiếp đó, tháng 12-1950, một hiệp định viện trợ được ký ở Sài Gòn giữa đại diện Mỹ, Pháp và Chính phủ Bảo Đại (Việt Nam) đã “đánh dấu sự bắt đầu Mỹ chính thức dính líu vào Việt Nam”[7; tr. 187]. Sang năm 1951, viện trợ của Mỹ cho Đông Dương đã lên tới 30,5 triệu đôla (gấp 3 lần so với năm 1950), đưa Việt Nam chiếm vị trí quan trọng thứ hai sau bán đảo Triều Tiên trong chương trình viện trợ quân sự cho nước ngoài của Mỹ. Việc Mỹ bắt đầu thay đổi thái độ đối với Đông Dương và tích cực ủng hộ Pháp trong cuộc chiến tranh Việt Nam xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có liên quan trực tiếp đến sự tính toán chiến lược của Mỹ ở Tây Âu. Các nhà nghiên cứu cho rằng “trong khung cảnh chiến lược đã thay đổi nhiều của năm 1950, việc ủng hộ Pháp ở Đông Dương được xem là điều thiết yếu cho an ninh ở Tây Âu. Những khoản chi tiêu lớn cho chiến tranh Việt Nam đã làm chậm quá trình phục hồi kinh tế cũng như quá trình tiến tới một mức độ ổn định chính trị cần thiết để chống chủ nghĩa cộng sản… Những đề nghị ban đầu của họ (Mỹ) là yêu cầu Pháp đóng góp một số quân lớn và đảm bảo tái vũ trang cho Tây Đức, đây chính là những việc làm mà Pháp rất có thể chống lại. Chính quyền Mỹ vì thế sợ rằng nếu họ không tích cực đáp ứng yêu cầu của đồng minh xin giúp đỡ ở Đông Dương, Pháp có thể không chịu hợp tác với kế hoạch chiến lược bảo vệ Tây Âu của mình”[4; tr.16]. Hơn nữa, “việc Mỹ sẵn sàng ủng hộ Pháp ở Đông Dương còn phản ánh một tâm trạng ngày càng lo ngại cho tương lai của Đông Nam Á. Cuộc chiến Đông Dương và những cuộc nổi dậy ở Mianma, Malaisia và Indonesia đều có nguồn gốc bản xứ, nhưng trong một thế giới đã phân cực thì chỉ riêng việc tồn tại các cuộc cách mạng và xu hướng tả khuynh của chúng đã làm cho người Mỹ tin rằng Đông Nam Á là mục tiêu của một cuộc tấn công phối hợp do Kremli chỉ huy”[4; tr. 16]. Như vậy, bên cạnh sự ảnh hưởng của thuyết “Đôminô” về mối đe doạ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á, sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam còn nằm trong mục tiêu lôi kéo đồng minh trong cuộc đấu tranh với Liên Xô ở Tây Âu - khu vực trọng tâm chiến lược của Mỹ trong chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, đầu những năm 50 của thế kỷ XX, sự tham gia của Mỹ cũng chỉ mới dừng lại ở hình thức gián tiếp thông qua sự ủng hộ đối với đồng minh của mình. Điều này xuất phát từ những nguyên do sau đây: Thứ nhất, mặc dù đã từng bước xác định vị trí quan trọng của Đông Dương trong chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á của mình, nhưng Mỹ vẫn coi đây là “khu vực biên duyên” trong chiến lược toàn cầu thời kỳ chiến tranh lạnh; Thứ hai, những bài học kinh nghiệm của chiến tranh Triều Tiên đã khiến Mỹ lo ngại xảy ra trường hợp tương tự là Trung Quốc sẽ đưa quân sang Việt Nam như trong chiến tranh Triều Tiên và có thể khiến Mỹ sa lầy trong cuộc chiến này;Thứ ba, Mỹ chưa tìm được “ngọn cờ hợp pháp” và chưa thể tranh thủ được sự ủng hộ của đồng minh để có thể đưa quân trực tiếp đến Việt Nam.

Từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Mỹ bắt đầu đưa quân trực tiếp can thiệp vào Việt Nam. Việc Mỹ trực tiếp đưa quân can thiệp vào Việt Nam có thể được giải thích bởi những nguyên nhân sau: Thứ nhất, trước sự phát triển của phong trào cách mạng Việt Namtừ cuối những năm 50, Mỹ đã nhận thấy nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ thì chính quyền miền Nam Việt Nam do Mỹ dựng lên sẽ không thể tồn tại được lâu và chủ nghĩa cộng sản sẽ thắng thế trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam; Thứ hai, cùng với sự leo thang của chiến tranh lạnh, quan hệ Mỹ – Xô ngày càng căng thẳng. Vì vậy, việc Liên Xô công khai ủng hộ Việt Nam đã khiến Mỹ càng quyết tâm hơn trong việc biến miền Nam Việt Nam thành bàn đạp để tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản, nhằm ngăn chặn “Đông Nam Á hoá đỏ”.

Như vậy, trước sự biến đổi phức tạp của tình hình quốc tế, Mỹ đã từng bước thay đổi chính sách về Đông Dương và can thiệp trực tiếp vào Việt Nam. Sự leo thang trong chính sách của Mỹ ở Việt Nam đã làm cho màu sắc chiến tranh lạnh trong chiến tranh Việt Nam ngày càng gia tăng.

Sự tham gia của Liên Xô vào chiến tranh Việt Nam đã trải qua các giai đoạn từ gián tiếp ủng hộ thông qua đồng minh của mình đến công khai và trực tiếp giúp đỡ nhân dân Việt Nam cả về kinh tế và quân sự để chống Mỹ. Quá trình tham gia của Liên Xô vào chiến tranh Việt Nam như trên có thể được giải thích từ những lý do sau: Thứ nhất, trong những năm 50 của thế kỷ XX, khi Mỹ còn chưa trực tiếp can thiệp vào Việt Nam thì Liên Xô cũng chưa công khai ủng hộ Việt Nam. Điều này là do Liên Xô lo ngại nếu công khai ủng hộ Việt Nam thì sẽ kéo theo sự tham gia của Mỹ như trong chiến tranh Triều Tiên. Hơn nữa, giai đoạn này, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp nên Liên Xô có thể thông qua Trung Quốc để ủng hộ Việt Nam; Thứ hai, cùng với việc gia tăng sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam, Liên Xô cũng tỏ rõ thái độ ủng hộ Việt Nam nhằm thể hiện lập trường quan điểm của mình trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Thứ ba, trong chiến tranh Việt Nam, khi Mỹ tham chiến dưới danh nghĩa lợi ích quốc gia của Mỹ thì Liên Xô cũng có lý do để công khai sự ủng hộ của mình. Việc gia tăng mức độ can thiệp của cả Mỹ và Liên Xô vào chiến tranh Việt Nam trong lúc chiến tranh lạnh đang được đẩy lên mức cao nhất là minh chứng cho nhận định trên, đồng thời nó cũng làm cho cuộc chiến ở Việt Nam diễn ra ngày càng quyết liệt và in đậm dấu ấn của xung đột Đông – Tây. Tính chất “quốc tế” của chiến tranh Việt Nam vì thế ngày càng rõ nét.

Như vậy, sự tham gia của Mỹ và Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam đã phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa hai siêu cường trong chiến tranh lạnh. Sự tham gia của Mỹ và Liên Xô là nhân tố có tác động sâu sắc đến diễn biến và tính chất của các cuộc chiến tranh này.

Do vị trí chiến lược của bán đảo Đông Dương trong chiến lược của Mỹ và Liên Xô thời kỳ chiến tranh lạnh và sự tham gia của Mỹ, Xô trong chiến tranh Việt Nam, cho nên phương thức xử lý xung đột của Liên Xô trong cuộc chiến này là:

Thứ nhất, hết sức tránh sự đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai siêu cường. Mặc dầu có sự tham gia của Mỹ và cuộc chiến tranh rất gay go, quyết liệt, nhưng Liên Xô vẫn tuân thủ “luật chơi chung” là hạn chế và hết sức tránh một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Liên Xô. Cả Mỹ và Liên Xô đều coi đây là nguyên tắc cao nhất trong xử lý mối quan hệ giữa hai bên trong các cuộc chiến tranh này.

Trong chiến tranh Việt Nam, chúng ta thấy sự dính líu của Mỹ là cả một quá trình đi từ không can dự đến ủng hộ đồng minh và cao nhất là trực tiếp đưa quân xâm lược. Vì vậy, tương tự với quá trình can dự của Mỹ, sự tham gia của Liên Xô vào chiến tranh Việt Nam cũng đi từ chỗ gián tiếp ủng hộ đến công khai viện trợ về kinh tế, vũ khí, và cố vấn quân sự. Mức độ can dự ngày càng sâu của Liên Xô diễn ra tương đồng với quá trình mở rộng chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã cho thấy tính chất quyết liệt trong việc cạnh tranh quyền lực của hai siêu cường và hai khối Đông – Tây trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh Việt Nam, cả Mỹ và Liên Xô đều hạn chế đến mức thấp nhất những hành động có thể gây ra sự kích động khiến cho đối phương có thể can thiệp sâu hơn và luôn thông qua con đường ngoại giao và tiếp xúc bí mật để nhằm tìm ra một giải pháp hoà bình cho cuộc chiến. Điều này một mặt cho thấy thế cân bằng lực lượng giữa hai cường quốc và sự phức tạp của tình hình quốc tế trong chiến tranh lạnh, mặt khác đã thể hiện “sự khác biệt cơ bản giữa chiến tranh lạnh và các cuộc tranh giành khác giữa các siêu cường trong lịch sử là trong chiến tranh lạnh có cả những vấn đề về nguyên tắc chứ không chỉ về quyền lực”[2; tr. 142]. Đồng thời, đó cũng là nguyên nhân khiến cho chiến tranh Việt Nam mặc dù diễn ra rất gay go, quyết liệt, nhưng xét dưới góc độ xung đột quốc tế lại là những cuộc chiến tranh hạn chế.

Thứ hai, quá trình và mức độ tham gia cùng với cách thức xử lý xung đột Đông – Tây giữa Mỹ và Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam cho chúng ta thấy phương thức xử lý xung đột Mỹ – Xô trong hai cuộc chiến tranh này là hai siêu cường luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân lên trên sự đối đầu về ý thức hệ.

Như đã phân tích, mặc dù đã xác định Đông Dương là trọng điểm trong việc ngăn chặn “sự bành trướng” của chủ nghĩa cộng sản ở khu vực Đông Nam Á, nhưng trong thời gian đầu Mỹ tỏ ra thận trọng và dè dặt khi quyết định tham gia vào cuộc chiến. Phía Liên Xô cũng có những hành động tương tự. Mặc dù ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong việc tiến hành thống nhất đất nước, nhưng Liên Xô cũng không vì sự thắng thế của chủ nghĩa cộng sản mà trực tiếp đối đầu với Mỹ ở Việt Nam.

Như vậy, chúng ta thấy cả Mỹ và Liên Xô đều không vì sự đối đầu về ý thức hệ và mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của mình mà đẩy cuộc chiến lên đến mức có thể ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia. Điều này giải thích vì sao các cuộc “chiến tranh nóng” trong thời kỳ chiến tranh lạnh lại được giải quyết thông qua con đường hoà bình với sự thỏa thuận của các siêu cường.

Như đã phân tích, chiến tranh Việt Nam là cuộc đấu tranh nhằm thống nhất đất nước. Tuy nhiên, cuộc chiến này lại diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh, nên sự ảnh hưởng của chiến tranh lạnh và đối kháng Đông – Tây, nhất là quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô đã có tác động không nhỏ đến diễn biến và tính chất của cuộc chiến tranh này.

Xuất phát điểm của chiến tranh Việt Nam là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Đó hoàn toàn là cuộc đấu tranh vì quyền lợi dân tộc của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của chiến tranh lạnh, sự có mặt của quân đội Mỹ cùng đồng minh và cuộc đấu tranh chống Mỹ của Liên Xô và Trung Quốc đã làm cho tình hình chiến sự trên chiến trường Việt Nam trở nên phức tạp. Chính sự hiện diện của lực lượng quân sự nước ngoài, việc xử lý quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô trong các cuộc chiến này đã làm cho chiến tranh Việt Nam ở vào thế giằng co, kéo dài và diễn biến hết sức phức tạp. Xung đột ở Việt Nam cũng vì thế đã trở thành những cuộc xung đột quốc tế, là sự đối đầu căng thẳng giữa hai siêu cường và hai khối Đông – Tây. Vì vậy, xét dưới góc độ xung đột quốc tế, nếu như chiến tranh Triều Tiên là “chỗ vỡ cuối cùng” của những xung đột Mỹ – Xô trong thời gian đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai thì chiến tranh Việt Nam cũng có thể được coi là kết quả của những mâu thuẫn đã khá đầy đủ và nguy cơ chiến tranh thế giới thứ ba đã nhiều lần cận kề giữa hai khối từ khủng hoảng Berlin, Trung Đông, Trung Quốc đến Cuba...

Ngoài ra, sự phức tạp trong quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ Mỹ – Xô còn là nhân tố có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển về phạm vi, quy mô của chiến tranh Việt Nam. Xuất phát chính sách kìm chế lẫn nhau trong quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô, từ việc đặt lợi ích quốc gia lên trên sự đối đầu về ý thức hệ của Mỹ và Liên Xô, hai bên đã đi đến việc tìm ra giải pháp hoà bình nhằm chấm dứt sự xung đột trên bán đảo đảo Đông Dương vào năm 1973. Sự kìm chế lẫn nhau giữa Mỹ và Liên Xô cũng đã tạo ra thế cân bằng lực lượng ở Việt Nam. Đó là yếu tố quan trọng hạn chế việc mở rộng quy mô của các cuộc chiến tranh này. Do vậy, mặc dù chiến tranh Việt Nam diễn ra rất gay go, quyết liệt, nhưng dưới góc độ xung đột quốc tế thì đây đều là những cuộc chiến có quy mô hạn chế.

3. Như vậy, Chiến tranh Việt Nam có những điểm cơ bản là chịu sự chi phối mạnh mẽ của quan hệ đối đầu Đông – Tây, nhất là quan hệ Mỹ – Xô trong chiến tranh lạnh, là cuộc “chiến tranh nóng” – một hình thức xung đột trong chiến tranh lạnh.

Sự tham gia của Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam có thể được giải thích bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai siêu cường Xô – Mỹ ở những nơi có tầm quan trọng đối với việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Dù ở góc độ nào, dù gián tiếp hay trực tiếp, dù bí mật hay công khai thì sự tham gia này cũng là nhân tố có tác động mạnh mẽ đến quy mô, diễn biến và tính chất của cuộc chiến. Chiến tranh Việt Nam là cuộc “chiến tranh nóng” Đông – Tây trong chiến tranh lạnh. Đây là cuộc đấu tranh nhằm thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, là công việc nội bộ của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất phát từ vị trí chiến lược của bán đảo Đông Dương và do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh lạnh, nên sự tham gia của Mỹ và Liên Xô đã phản ánh diễn biến của quan hệ quốc tế trong hai cuộc chiến tranh này.

Trong chiến tranh Việt Nam, Liên Xô đã tuân thủ những nguyên tắc, “luật chơi” của cuộc chiến tranh lạnh. Vấn đề là, những tính toán chiến lược của Liên Xô đối với Mỹ trong cuộc chiến tranh này có sự trùng hợp lợi ích đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Sự trùng hợp này ít nhất cũng được thể hiện rõ ở những phương diện sau: Thứ nhất, kẻ thù lớn nhất của Liên Xô (với tư cách là một bên của cuộc chiến tranh lạnh) cũng là kẻ thù lớn nhất của dân tộc Việt Nam (với tư cách là một quốc gia bảo vệ nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ). Do đó, dưới góc độ của chiến tranh lạnh thì mối quan hệ giữa Liên Xô với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam được xây dựng trên cơ sở “hai bên cùng có lợi”. Thứ hai, nếu quan niệm chiến tranh lạnh là một cuộc chiến ý thức hệ thì cả hai nước Việt – Xô đều có chung lý tưởng, trong cùng một “phe”. Liên Xô, với tư cách là quốc gia đứng đầu của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, ngoài lợi ích của một “siêu cường” còn có trách nhiệm giúp đỡ cho Việt Nam – một quốc gia luôn tỏ ra kiên định với con đường chủ nghĩa xã hội và có mối quan hệ thủy chung với đất nước Xô Viết. Đây là những tiền đề quan trọng của mối quan hệ hữu nghị Việt – Xô thời kỳ này. Đồng thời, lịch sử của mối quan hệ Việt – Xô tự thân nó cũng là một cơ sở vững chắc của mối quan hệ Việt - Nga ngày nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.                 Bruce. W.Jentleson, Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ: Động cơ của sự lựa chọn trong thế kỷ XXI (Linh Lan, Yên Hương… dịch), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.

2.                 Lê Vinh Danh, Chính sách công của Hoa Kỳ giai đoạn 1935 – 2001, NXB Thống kê, Hà Nội, 2001.

3.                 George. C.Herring, Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ (Lê Phương Thuý dịch), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1998.

4.                 Lý Kiện, Ngọn lửa chiến tranh lạnh, tập 1, NXB Thanh niên, 2002.

5.                                   Mộ Kiệt, 7 cuộc đàm phán siêu cấp, NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội 2006.

6.                 Lưu Văn Lợi – Nguyễn Hồng Thạch, Pháp tái chiếm Đông Dương và chiến tranh lạnh, NXB Công an nhân dân.

7.                 Trương Tiểu Minh, Chiến tranh lạnh và di sản của nó, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002.

8.                 Pitơ A.Pulơ, Nước Mỹ và Đông Dương từ Rudơven đến Níchxơn,(Vũ Bách Hợp dịch), NXB Thông tin lý luận, Hà Nội 1986.

9.            Ilya V.Gaiduk, Liên Bang Xô Viết và chiến tranh Việt Nam, NXB Công an nhân dân, Hà Nội 1998.

10.            Walter LaFeber, The War for Both Asia and Europe (1950-1951) inAmerica, Russia, and the cold war 1945 - 2002, McGraw-Hill Companies, 9 ed., December 2002.

11.            Friedman, Norman, The Fifty-Year War: Conflict and Strategy in the Cold War, Naval Institute Press 2007.

12.            Robert W. Clawson (ed.): East West rivalry in the Third World,Wilmington 1986 (Scott L. Bills: The world deployed: US and Soviet military intervention and proxy wars in the Third World since 1945., pp. 77-101).

13.            Chris Loveman,Assessing the Phenomeon of Proxy Intervention. From Journal of Conflict, Security and Development, edition 2.3, Routledge 2002, pp. 30–48.

* PGS. TS Khoa Lịch Sử - Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ý kiến bạn đọc (0)

BÌNH LUẬN (0)