/ 0 bình luận

Tiền đề xã hội để một cuộc Cách mạng tư sản có thể diễn ra

 

Từ hậu kì trung đại, trong lòng xã hội phong kiến Tây Âu đã xuất hiện mầm mống phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cùng với sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản trong lòng chế độ phong kiến, trong xã hội các nước cũng bắt đầu xuất hiện một số giai cấp mới, đại diện cho nền sản xuất đó. Giai cấp đóng vai trò quan trọng, là người nắm giữ ngọn cờ lãnh đạo các cuộc cách mạng tư sản chính là giai cấp tư sản mặc dù có sự liên minh với quý tộc tư sản hoá ở trường hợp của Nêđéclan, Anh, Đức, Ý.

Sang thế kỉ XVI, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa càng phát triển nhất là ở Nêđéclan, giai cấp tư sản ở nước này lớn mạnh, họ đã làm cuộc cách mạng tư sản sớm nhất thế giới và lập ra nhà nước cộng hoà đầu tiên. Cuộc cách mạng này báo hiệu sự diệt vong tất yếu của chế độ phong kiến, mở đầu thời cận đại. Tiếp diễn sau đó là hàng loạt các cuộc cách mạng tư sản ở các nước như Anh, Pháp, Mĩ,...

Cách mạng tư sản theo học thuyết của Mác là một cuộc cách mạng do giai cấp tư sản lãnh đạo nhằm lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập nền thống trị của giai cấp tư sản, mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nói một cách rõ nét hơn thì cách mạng tư sản là bước chuyển từ hình thái kinh tế - xã hội phong kiến sang hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, nó được thực hiện bằng cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt giành chính quyền giữa giai cấp tư sản tiến bộ có sự tham gia của quần chúng nhân dân với tập đoàn phong kiến phản động, bảo thủ.

Như thế cách mạng tư sản không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên vì nguyên nhân là một yêu cầu khách quan của lịch sử xã hội, mang tính tất yếu, hợp quy luật, nó đánh dấu sự thắng lợi và xác lập của chủ nghĩa tư bản thay chế độ phong kiến.

Tiền đề của cách mạng tư sản là những điều kiện nội tại vô cùng cần thiết mà không có điều kiện đó thì cách mạng tư sản không thể bùng nổ được:

+ Về kinh tế: Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời trong lòng xã hội phong kiến (sự ra đời của các công trường thủ công, sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản vào trong nông nghiệp, việc sử dụng máy móc trong công nghiệp, sự phát triển của thành thị, mở rộng quan hệ buôn bán...).

+ Về xã hội: Giai cấp tư sản và các giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa xuất hiện (tư sản, quý tộc mới...). Những giai cấp này mâu thuẫn với giai cấp phong kiến, muốn lật đổ chế độ chuyên chế để nắm lấy chính quyền.

+ Sự xuất hiện hệ tư tưởng dân chủ tư sản đả kích vào hệ tư tưởng phong kiến, chuẩn bị cho cuộc cách mạng nổ ra (tư tưởng Thanh giáo ở Anh, triết học ánh sáng ở Pháp, trào lưu Hà Lan học ở Nhật, chủ nghĩa Tam dân ở Trung Quốc...).

 Để một cuộc cách mạng tư sản có thể diễn ra thì tiền đề xã hội phải có sự ra đời của giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản là đại diện cho phương thức sản xuất mới được ra đời và ngày càng trưởng thành, có mâu thuẫn gay gắt với chế độ phong kiến và mong muốn đứng lên lật đổ nó. Tư sản kinh doanh và trở nên vô cùng giàu có nhưng họ không có quyền chính trị, đó là không kể đến việc phong kiến đã gây ra nhiều trở lực đối với sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy tư sản muốn lật đổ chế độ phong kiến, lập nền chuyên chính tư sản. Tư sản lớn mạnh về thế lực kinh tế, có số lượng đông, đoàn kết, đặc biệt là có hệ tư tưởng riêng, có những lí luận cách mạng cần thiết để chuẩn bị cho việc nắm chính quyền cách mạng trong tương lai. Do đặc điểm của từng nước nên có thể còn phải xét đến các tầng lớp khác như: quý tộc mới ở Anh, chủ nô miền nam ở Mỹ, quý tộc Iuncơ ở Đức…

Giai cấp tư sản lãnh đạo: Do điều kiện lịch sử của mỗi nước và vai trò của các giai cấp, tầng lớp nên giai cấp lãnh đạo cách mạng tư sản ở mỗi nước cũng có sự khác nhau. Ví dụ: toàn thể nhân dân miền Bắc vùng Nêđéclan, quý tộc mới và giai cấp TS ở Anh, giai cấp tư sản và chủ nô ở Bắc Mĩ, giai cấp tư sản ở Pháp...

Đặc điểm của giai cấp tư sản: Về kinh tế, giai cấp tư sản tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại, điều này chứng tỏ sức mạnh to lớn của giai cấp tư sản trong lĩnh vực kinh tế. Về chính trị, từ khi đại công nghiệp và thị trường thế giới được thiết lập, giai cấp tư sản đã độc chiếm được quyền thống trị trong nhà nước đại nghị.

Giai cấp tư sản là lực lượng chính lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản, chính vì thế những đặc điểm của nó sẽ chi phối mạnh mẽ đến các cuộc cách mạng đó. Về nguồn gốc của giai cấp tư sản, Mác và Ăng ghen có đề cập “từ những nông nô thời trung cổ, đã sinh ra những thị dân các thành thị đầu tiên; từ dân cư thành thị này, nảy sinh ra những phần tử đầu tiên của giai cấp tư sản”. Tuy vậy ở mỗi nước, nguồn gốc và thời điểm ra đời của giai cấp tư sản không hoàn toàn giống nhau.

Sự ra đời của giai cấp tư sản ở từng nước:

Ở Anh, ngay từ cuối thế kỉ XV tại vùng phía Đông và vùng phía Tây Nam đã bắt đầu dấy lên một phong trào khoanh chiếm đất đai. Phong trào này đến cuối thế kỉ XVI - đầu thế kỉ XVII lại càng quyết liệt hơn và đã dẫn đến sự xuất hiện của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nông thôn tại Anh và cùng với đó là sự xuất hiện của các nhà tư bản trong nông nghiệp. Bên cạnh đó cùng với sự phát triển của công nghiệp Anh ngay từ thế kỉ XVI cũng làm xuất hiện những nhân tố tư bản chủ nghĩa gắn liền với sự xuất hiện của các công trường thủ công phân tán. Ở các thế kỉ tiếp theo, theo đà phát triển của công thương nghiệp, những thương gia ở Anh cũng không ngừng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh buôn bán, kể cả việc mua bán nô lệ, họ nhanh chóng trở thành những chủ tư bản.

Sự du nhập của người Anh ở Bắc Mĩ đã dẫn tới việc hình thành chủ nghĩa tư bản ở đây. Giai cấp tư sản ở Bắc Mĩ sớm hình thành và là những chủ công trường thủ công, đồn điền, thương nhân... và đều là di dân đến từ châu Âu. Dần dần sự phát triển của giai cấp tư sản Mĩ nảy sinh những mâu thuẫn đối với sự kìm hãm từ chính quốc.

Ở Pháp, trước cách mạng, Pháp là một quốc gia phong kiến nông nghiệp. Nhưng từ thế kỉ XVIII, trong lòng xã hội Pháp đã thai nghén mối quan hệ tư bản chủ nghĩa và đã tương đối phát triển. Những công trường thủ công mang tính chất tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện rất nhiều. Trên cơ sở phát triển của công trường thủ công, một số ngành công nghiệp ở Pháp đã bắt đầu sử dụng máy móc, thương nghiệp vươn lên mạnh mẽ. Chính sự phát triển đó đã tạo ra tầng lớp tư sản trong lòng xã hội phong kiến, song lại chịu sự phân tầng rõ rệt bởi chế độ đẳng cấp trong xã hội Pháp, giai cấp tư sản cũng phân hoá thành những bộ phận khác nhau như đại tư sản, tư sản công thương, tư sản vừa và nhỏ.

Vai trò lãnh đạo của giai cấp tư sản: Phục vụ cho quyền lợi của tư sản nên trong cách mạng tư sản thì chuẩn mực phải do giai cấp tư sản lãnh đạo. Điển hình là cách mạng Pháp hoàn toàn do tư sản lãnh đạo, qua nhiều giai đoạn là do các bộ phận khác nhau của tư sản thay nhau lãnh đạo. Sự phân hóa của giai cấp tư sản ở Pháp chứng tỏ sự trưởng thành của nó và đây cũng là nguyên nhân khiến cuộc cách mạng này là điển hình và triệt để nhất. Giai cấp tư sản đại diện cho phương thức sản xuất mới nên nó tiến bộ và đại diện cho xu thế phát triển đi lên của lịch sử nhân loại.

Nhưng cũng có những cuộc cách mạng tư sản không phải do giai cấp tư sản lãnh đạo hoặc tư sản phải liên minh với một giai cấp, tầng lớp khác, cụ thể là tầng lớp quý tộc tư sản hóa. Ví dụ như ở nước Anh, tư sản không đủ mạnh nên phải liên minh với tầng lớp quý tộc mới là những quý tộc phong kiến kinh doanh tư sản trong lĩnh vực nông nghiệp. Trường hợp tương tự là ở nước Đức, tầng lớp quý tộc Iuncơ cơ lãnh đạo sự nghiệp thống nhất đất nước theo con đường “từ trên xuống”. Đặc biệt nhất là Nga, cải cách nông nô ở Nga không phải là cách mạng tư sản mà chỉ thuộc phạm trù của cách mạng tư sản, cải cách này do người đứng đầu nhà nước phong kiến ban hành nhằm giải phóng nông nô, tuy nhiên nó cũng đã góp phần xoá bỏ rào cản kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, đưa nước Nga vào quỹ đạo phát triển của chủ nghĩa tư bản. Những trường hợp đó do hoàn cảnh lịch sử cụ thể của từng nước quy định, mà chủ yếu là do chủ nghĩa tư bản chưa phát triển lắm.

Sự xuất hiện các tầng lớp khác: Động lực chủ yếu của các cuộc cách mạng tư sản là quần chúng nhân dân, trước hết là nông dân, thợ thủ công, dân nghèo thành thị và một bộ phận công nhân, người Indian, nô lệ da đen ở Bắc Mĩ... Quần chúng nhân dân giữ vai trò chủ yếu và thúc đẩy cách mạng tiến lên. Cách mạng tư sản có khả năng lôi kéo mọi tầng lớp nhân dân tham gia bởi vì mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng này nhằm tiêu diệt chế độ phong kiến vốn đã trở thành kẻ thù của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên sự đông đảo, đa dạng thành phần của quần chúng lại phụ thuộc vào giai cấp lãnh đạo tiến bộ đến mức nào. Cách mạng Pháp lôi cuốn được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, không trừ bất cứ bộ phận nào nên mới có thể lật đổ được thành trì kiên cố nhất của chủ nghĩa tư bản. Cải cách nông nô thuộc phạm trù tư sản ở Nga hay công cuộc thống nhất Đức lẽ ra phải là sự nghiệp của quần chúng nhưng thực tế vai trò của họ ở đây hầu như không có.

Động lực của cách mạng tư sản phụ thuộc vào yếu tố giai cấp tư sản và quý tộc tư sản hóa. Ý thức chính trị, thái độ, mức độ trưởng thành của giai cấp lãnh đạo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến, tính chất, kết quả của cách mạng mà còn ảnh hưởng đến sự tham gia của quần chúng. Nếu giai cấp lãnh đạo tiến bộ, chú ý đến việc giải quyết nguyện vọng của quần chúng thì sẽ thu hút được đông đảo quần chúng tham gia.

Ngoài ra, xuất hiện những mâu thuẫn cũ và mới chồng chéo với nhau (quý tộc phong kiến và tư sản, tư sản và vô sản, phong kiến và tư sản...). Tuy nhiên mâu thuẫn chủ yếu là giữa phong kiến và tư sản, đó là mâu thuẫn giữa sự tiến bộ và phát triển của lực lượng sản xuất mới với lực lượng sản xuất cũ đã lạc hậu.


Ý kiến bạn đọc (0)

BÌNH LUẬN (0)